Ai cũng từng có suy nghĩ "làm bảo vệ ngại lắm, lương thấp, đi dắt xe, người ta coi thường" bao nhiêu là suy nghĩ phải không?".
Nhưng mà đó là chúng ta nghĩ, nhưng thực tế làm bảo vệ không hề tầm thường như thế.Vậy thì làm sao với một người bảo vệ làm thuê bình thường mà có thể nhận lương tới 15- 20 triệu đồng một tháng được?
Chuyện là thời gian trước mùa dịch Covid-19, tôi đi bán hàng, gặp ai tôi cũng chào, rồi hỏi thăm. Tôi hay đi ngang qua một quán karaoke, quán này chắc mở cũng tầm 5-7 năm rồi, nói chung bề ngoài, sang thì cũng không phải quá sang đâu, nhưng thấy khách khá đông, chiều tối nào cũng tấp nập, không có chỗ để xe.
Tôi hay gặp một thanh niên bảo vệ cỡ 26, 27 tuổi. Mấy ngày đầu, tôi và anh nhìn nhau cười và hỏi thăm vài câu. Thân hơn, tôi mới hỏi thăm công việc: "Khách đến karaoke đông thật, anh làm có vẻ vất vả quá, mà công việc mình vậy ổn không anh?".
Anh đáp: "Làm riết quen rồi nên thấy bình thường, chứ công việc không cực mấy. Tại nói thật, nếu làm lấy lương cơ bản bình thường như người ta thì không đủ sống trên đất Sài Gòn này đâu. Anh chưa vợ, nhưng làm cũng đủ nuôi mình, rồi phần gửi về quê cho ba mẹ. Rồi phần phải tích trữ để mai mốt cưới vợ nữa, chứ làm bình thường có 5 triệu thì chẳng đủ đâu".
Tôi mới tò mò hỏi: "Vậy chứ ngoài lương cơ bản ra còn làm thêm gì nữa hả?".
Anh đáp: "Đâu, anh làm ở đây 8 tiếng từ chiều tối đến đêm, sáng ngủ lấy sức. Làm bảo vệ nhưng cơ bản là mình phải biết cách linh hoạt để kiếm nhiều tiền hơn".
Rồi anh nói tiếp: "Làm bảo vệ hay làm bất kì ngành nghề nào mình cũng phải có kỹ năng, mà nhất là kỹ năng ứng xử giao tiếp giữa người với người. Trước tiên, làm bảo vệ mình cũng cần phải chọn chỗ để làm, anh thì anh nhắm vào những chỗ nào khách đông và nhất là giàu thì mới làm.
Ví dụ như quán karaoke này, nhìn dàn xe là biết đấy, toàn SH, toàn mấy dân ăn chơi có tiền không à. Mà người không có tiền thì không nói, chứ mà có tiền là họ thoáng lắm, chỉ cần mình vui vẻ, nhiệt tình, chân thành với họ là họ sẵn sàng rút tiền ra bo thôi.
Làm cái này, muốn nhiều tiền, phải lanh lẹ, chịu khó quan sát, ở đầu cửa có camera theo dõi, khi thấy trong camera khách ở các lầu chuẩn bị mở cửa thang máy xuống, là phải tinh ý nhớ khách đi xe nào là nhanh chóng dắt ra chờ sẵn đó. Họ xuống chỉ việc leo lên xe ngồi thôi. Thấy mình dắt xe ra sẵn rồi, họ sẽ bất ngờ kiểu "ơ, thằng này sao biết mình xuống mà dắt ra hay vậy nhỉ, mà sao nó nhớ xe này là của mình cơ chứ".
Đó là điểm đầu ghi ấn tượng cực mạnh với khách. Nhiều khi trời mưa, nhiều khách không để ý ngồi lên, là anh ngăn lại, bảo anh ơi, anh khoan ngồi, xe anh chưa khô, để e lau cho khô, mình ngồi đỡ ướt anh nhá.
Nhiều khách nữ còn ghẹo "trời ơi, đi chơi được bảo vệ chăm sóc chu đáo còn hơn người yêu mình nữa". Rồi nhiều khách thấy nhiệt tình, thật thà, cái họ thương, lâu lâu còn có khách móc hẳn 200- 500 nghìn đồng ra tip.
Tôi tròn xoe mắt. Anh nói tiếp: "500 nghìn đồng thì lâu lâu, may mắn gặp khách quen của quán. Mình phục vụ nhiệt tình nhiều lần, dịp nào mà lễ người ta đi chơi hay như dịp gần Tết. Họ thấy mọi người ai cũng đi chơi mà mình thì vẫn phải đi làm, họ dừng lại hỏi thăm công việc mình. Họ thấy mình nhiệt tình, thật thà, họ thương, họ cho. Còn bình thường thì cứ 10, 20, 50 nghìn đồng.
Trung bình một ngày chịu khó cũng thu về 300- 400 nghìn đồng rồi. Đỉnh điểm buổi gần Tết khách lì xì nhiều cũng cả gần triệu. Nhiều khách vui tính, xem như anh em trong nhà và còn kêu về công ty họ làm nữa.
Tôi hỏi tiếp: "Chắc do làm nhiệt tình, nên khách mới càng ngày càng đông. Mà nếu vậy, cuối tháng chủ có thưởng gì cho anh không?".
Anh chàng nói tiếp: "Cũng có, mình nhiệt tình thì vừa được tiền bo của khách, quán cũng đông khách hơn, khách nào mà thân với chủ lời ra lời vào cũng được tiếng tốt về mình, nên chủ cũng thưởng tầm 500 triệu đến một triệu đồng , tùy doanh thu tháng đó thế nào nữa. Nói chung chỉ cần mình thật tâm huyết với nghề thì ai họ cũng thương".
Tôi tính nhẩm: Một ngày ví dụ anh chàng dắt xe cho 60 khách từ chiều đến đêm. một khách tip 10 nghìn đồng, 60 người ta trừ hao những người không cho thì tính 40 người thôi, vậy 40 khách là anh được 400 nghìn đồng rồi. Một tháng 30 ngày là anh chàng đã được 12 triệu, rồi cộng với 5 triệu đồng tiền lương, làm tốt cứ cho chủ thưởng thêm 500 nghìn. Vậy một tháng anh thu về cũng 17,5 triệu đồng rồi.
Tôi nói xong thì anh xua tay: "Nói chung để kiếm được tiền bo của khách, phải rèn luyện nhiều đấy, chứ không phải dễ ăn đâu. Nào là mẹo ghi nhớ xe của khách, kỹ năng quan sát mọi thứ để nhắc nhở khách, từ đó mình cũng dễ gây thiện cảm với khách hơn. Rồi kỹ năng cười, kỹ năng chào, kỹ năng nói chuyện sao cho khách tò mò mà hỏi thăm lại mình, thì khách sẽ càng thân thiết với mình hơn, rồi kỹ năng hài hước rồi kỹ năng sắp xếp xe cho khách làm sao khách ra về mình dắt ra cho nhanh.
Đấy, từ câu chuyện đó, chúng ta đã thấy nhiều khía cạnh hơn trong cuộc sống phải không. Anh bảo vệ này rất khôn khéo khi biết tận dụng khách có sẵn của quán để phục vụ cho công việc kiếm tiền của mình.
Thế là từ một chức vụ bảo vệ đơn giản, anh đã biến tấu công việc của mình ra nhiều nguồn để tăng thu nhập gấp hai, gấp ba lương cơ bản. Bởi thế, nghề nào cũng vậy cả, muốn nhiều tiền thì phải dùng đầu suy nghĩ và phải thật khác biệt thì mới vượt trội hơn được. Tôi thực sự ấn tượng với anh bảo vệ và cảm thấy cần phải học tập ảnh rất nhiều.